Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Thế vận hội 2024: Khó nhưng không nản

VHO- Thế vận hội mùa hè 2024 (Olympic Paris 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 26.7 - 11.8 tại Paris cùng 16 thành phố trên khắp nước Pháp. Để đến được với Đại hội thể thao lớn nhất thế giới, VĐV các nước sẽ phải trải qua nhiều cuộc thi đấu vòng loại hoặc tích điểm.

Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho Thế vận hội 2024: Khó nhưng không nản - Anh 1

Nguyễn Huy Hoàng, một trong ba VĐV Việt Nam giành vé dự Olympic Paris 2024 đến thời điểm hiện nay

Thể thao Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho Thế vận hội năm 2024.

Giai đon chuyển giao thế hệ

Tại kỳ Đại hội này, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có từ 12 - 15 suất tham dự. Nếu chỉ nhìn vào con số thì có vẻ như chúng ta đang “phú quý giật lùi” vì ở kỳ Olympic gần đây nhất tại Tokyo chúng ta có tới 18 suất. Trước đó chúng ta có 20 suất dự Olympic 2016. Tuy nhiên trong bối cảnh chuyển giao lực lượng VĐV như hiện nay, thể thao Việt Nam khó lòng đạt được chỉ tiêu cao hơn.

Chẳng hạn ở môn Đấu kiếm, nếu Olympic 2016 bộ môn này có tới 4 suất dự Olympic thì đến Olympic Tokyo 2020 đấu kiếm Việt Nam đã dừng bước và đến kỳ Đại hội này, tình hình còn khó khăn hơn. Kiếm thủ Vũ Thành An chia sẻ: “Năm 2021 tôi đang ở tốp 2 châu Á mà cạnh tranh vé đi Olympic còn khó nữa là ở thời điểm hiện tại, tôi đã văng ra khỏi tốp 2. Nếu như trước đây tôi chỉ e ngại các đối thủ đến từ Hàn Quốc, Iran thì nay đối thủ đã nhiều hơn. Các nước đều có sự đầu tư và đã tiến xa, nên bên cạnh các đối thủ đến từ Hàn Quốc, Iran chúng tôi còn phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Kazashkstan. Các nước này đều có nhiều VĐV nằm trong top đầu của châu Á hoặc thế giới. Hiện tại chúng tôi cũng không tham gia được nhiều giải đấu để tích điểm, nên cơ hội lại càng khó”, kiếm thủ số 1 Việt Nam chia sẻ.

Tình cảnh của Vũ Thành An cũng là tình cảnh chung của đội đấu kiếm khi lứa VĐV xuất sắc như Thành An, Lệ Dung, Như Hoa, Đỗ Thị Anh đang bước qua giai đoạn đỉnh cao phong độ, nhiều người đã chuyển sang làm HLV hay giải nghệ, trong khi lứa trẻ lại chưa thể thay thế. Thế nên mục tiêu giành vé đến thế vận hội của đội tuyển từng rất thành công này là rất khó khăn thậm chí là khó đạt được.

Với môn Vật, theo phân tích của ông Tạ Đình Đức, phụ trách môn Vật, Cục TDTT, thế mạnh của Vật Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đều ở những hạng cân nhỏ. Thế nên cuộc chiến cạnh tranh vé dự Olympic ở hạng cân nhỏ sẽ rất quyết liệt. Bên cạnh đó, hiện lứa VĐV tài năng của Vật Việt Nam đã qua thời đỉnh cao phong độ, trong khi lứa trẻ lại chưa đủ sức để thay thế. Vì thế dù cố gắng nhưng Vật Việt Nam cũng khó kiếm được vé dự Olympic tại kỳ Đại hội này.

Khó nhưng không nản

Trong cuộc họp chuyên môn chuẩn bị cho Olympic được tổ chức vào hôm qua 4.1 tại Cục TDTT, hầu hết ý kiến của các phụ trách môn, các HLV đều cho biết đây là kỳ Đại hội khó khăn và rõ ràng do khoảng cách của thể thao Việt Nam đến với thế giới còn xa nên đòi hỏi cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội nhấn mạnh, thể thao Việt Nam phải nhìn thẳng vào thực tế là trình độ của hầu hết VĐV của chúng ta hiện nay mới đang dừng ở mức khu vực Đông Nam Á. Một số VĐV xuất sắc vượt qua chính mình giành huy chương châu Á hoặc thế giới cũng chỉ là số ít. Vì thế khi ra đấu trường Olympic chắc chắn sẽ rất khó khăn. Ông Hùng đề ra các giải pháp trong đó nhấn mạnh yếu tố cần phải thổi bùng lên tinh thần thi đấu hết mình của các VĐV, để nỗ lực vượt qua chính mình tại đấu trường khắc nghiệt nhất thế giới.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, phụ trách môn Taekwondo, Cục TDTT, tại Olympic Paris, Taekwondo sẽ có 8 hạng cân (4 nam, 4 nữ) được đưa vào chương trình thi đấu chính thức. Theo quy định, tại mỗi châu lục sẽ được tiến cử 4 hạng cân (2 nam, 2 nữ) thi đấu tại vòng loại để tranh vé chính thức. Đội tuyển Taekwondo Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc tranh vé dự Thế vận hội. Gương mặt được kỳ vọng lần này là Trương Thị Kim Tuyền và một số đồng đội. Hôm nay 5.1, đội tuyển Taekwondo Việt Nam sẽ lên đường sang Hàn Quốc tập huấn trước khi tham gia 2 giải đấu tích điểm để lấy lợi thế trong việc giành vé đến Olympic.

Hiện Tuyền xếp hạng 31 thế giới, hạng 6 châu Á nhưng để giành vé, Tuyền sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazaskhtan và Nhật Bản. Trong khi đó Ánh Tuyết, hạng 72 thế giới, hạng 10 châu Á lại phải so tài với các đối thủ đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Uzbekistan, Lebanon. Bạc Thị Khiêm hạng 75 thế giới, hạng 9 châu Á sẽ phải so tài với các đối thủ đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Uzbekistan, Lebanon, Thái Lan… Đối đầu với các đối thủ mạnh sẽ là khó khăn lớn với các võ sĩ Taekwondo Việt Nam nhưng đội tuyển đang quyết tâm, nỗ lực để phấn đấu cho mục tiêu giành vé dự Thế vận hội.

Với môn Đua thuyền, từng 3 kỳ liên tiếp giành vé dự Olympic, nhưng đây cũng là kỳ Thế vận hội khó khăn cho việc giành vé. Bà Dương Thị Hồng Hạnh, phụ trách môn Đua thuyền, Cục TDTT cho biết, dù khó khăn do các đối thủ đều mạnh đến từ các châu lục trên thế giới và các điều kiện tập luyện của chúng ta chưa được như các nước nhưng với sự quan tâm của các cấp, ý chí và quyết tâm cao nhất, đội tuyển vẫn đặt mục tiêu lần thứ tư liên tiếp giành vé dự Đại hội. “Việc thi đấu giành vé dự Olympic của các VĐV đua thuyền còn khó khăn hơn việc thi đấu giành huy chương tại Asian Games. Vì thi đấu tại vòng loại Olympic là đối đầu với nhiều đối thủ mạnh đến từ các châu lục, chứ không chỉ là đến từ châu Á. Đội tuyển mong muốn Nhà nước sẽ có các quy định để thưởng cho những VĐV giành vé dự thế vận hội. Từ đó động viên, khuyến khích tinh thần thi đấu của các VĐV”, bà Dương Thị Hồng Hạnh chia sẻ.

Để “vượt núi”, Cục TDTT đã đề ra nhiều giải pháp trong đó nhóm VĐV trọng điểm tập trung cho mục tiêu giành vé dự Olympic sẽ được tăng chế độ ăn, dinh dưỡng, hồi phục và có thêm đội ngũ bác sĩ, chuyên gia hồi phục đồng hành trong quá trình tập huấn, thi đấu. Các điều kiện tập luyện, ăn ở tại các Trung tâm cũng sẽ được cải thiện để các VĐV sau những giờ tập luyện căng thẳng, có thể được nghỉ ngơi tốt nhất đảm bảo được sức khoẻ, tập luyện phục vụ cho việc vượt ngưỡng thành tích. Ngành thể thao cũng sẽ triển khai việc huy động các nguồn xã hội hóa để đồng hành trong quá trình tập huấn, thi đấu, thưởng cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc. 

THU SÂM

Ý kiến bạn đọc